Academy

Một bài test đầy đủ về exposure: Pt. 1 – Phim màu

Nhiều tuần làm việc ở nhà cũng dư ra kha khá thời gian do không mất thời gian di chuyển, nên làm một bài test tỉ mỉ một chút về ảnh hưởng của việc đo sáng tới film màu và đen trắng, bài này sẽ nói về film màu.

Thực tình tôi muốn làm bài test này từ rất lâu (chắc cũng phải 4 năm về trước) nhưng thiếu kiên trì và hay cụt hứng nên giờ mới có đầy đủ thời gian để làm bài này.

1. Nguyên tắc chung thực hiện test
Tôi nhớ vào năm 2018 có một bạn post lên Film Photo Club một bài cũng dài, đi cùng với ảnh test chụp film từ đúng sáng tới thừa +5 stops. Tấm ảnh +5 stops đó trông vẫn ổn, không bị cháy/lốp và kết luận việc chụp thừa sáng có tác dụng làm no màu mà vẫn có ảnh đẹp. Tôi tin rằng kết luận này không chính xác do phương pháp test không chính xác ở khâu scan.

Phương pháp test của tôi như sau: chụp cùng 1 loại film, 1 loại thiết bị, chỉ thay đổi exposure. Khác biệt ở đây là khi scan tôi luôn scan cả cuộn cùng 1 settings với 1 kiểu làm chuẩn cùng 1 lúc, không scan riêng từng kiểu. Lý do là nếu scan riêng từng kiểu, chế độ default của các các máy scan là auto histogram/exposure, nên các ảnh thừa/thiếu sáng máy sẽ cố ép lại histogram về gần đúng sáng và máy sẽ lặp lại việc này cho mỗi tấm ảnh, như vậy các tấm ảnh thực ra sẽ không dược trả về histogram gốc, nên sẽ có cảm giác sai là ảnh thừa/thiếu sáng vẫn rất đúng sáng.

VD Như series 5 tấm này, căn tấm đúng sáng làm chuẩn, và scan cùng lúc cả 5 tấm để quan sát chính xác ảnh hưởng của expsoure lên ảnh.
VD Như series 6 tấm này, được scan cùng 1 lần và lấy tấm đúng sáng làm chuẩn.

Một ví dụ nhỏ, dưới đây là tấm ảnh chụp -2EV nhưng nếu scan riêng từng kiểu (như ngoài lab làm) và máy auto cho ra exposure hoàn toàn khác với cách test trên. Tấm ảnh -2EV lúc này có exposure như -1EV. Vậy nên phương pháp test đúng đắn là vô cùng quan trọng.

Bài test sử dụng film Kodak Ultramax 400 date 2021. Thiết bị gồm Leica M2, Summicron 35 V2, filter B+W ND2. Tráng tại AEG, tự scan bằng V700, phần mềm scan Silverfast, kính ANR, ảnh crop bằng Lightroom và ghép nhiều tấm lại bằng Illustrator.

2. Kết quả test đối với film màu không dùng filter ND
Trước hết là kết quả chụp film đối với +5EV tới -4EV, không dùng filter:

Test lần 1 (Bấm để xem ảnh to)
Test lần 2 (bấm để xem ảnh to)

Nhận xét:
– Ảnh chụp thừa sáng không làm “no” màu (tôi đang hiểu là no màu = đậm màu) hơn như đồn, chụp thiếu sáng mới làm màu đậm lên, chụp thừa sáng làm màu nhạt đi. Nếu chụp thừa sáng, và scan riêng tấm hình và để máy tự động auto-histogram, ảnh sẽ bị dịch đi khoảng ±1EV (tấm +3EV sẽ như +2EV) nên sẽ tự nhiên có cảm giác thừa sáng no màu hơn chứ thực ra bản chất không đúng như vậy.

– Chụp thừa sáng làm giảm tương phản, thiếu sáng làm tăng thương phản, nhưng máy scan nào cũng có ngưỡng, vượt qua ngưỡng này scan cho ra màu bị bết dần lại;

– Về cơ bản thì chụp thừa sáng ưa nhìn hơn thiếu sáng, nên tựu chung chụp thừa sáng vẫn tốt hơn chụp thiếu sáng (nhưng vẫn không bằng chụp đúng sáng), tuy nhiên vấn đề khác mắc phải là color cast. Ảnh bị ám màu nặng khi chụp thừa khoảng trên +3EV và dưới -2EV. Đây là vấn đề lớn đối với film màu nhưng không được những người khác nhắc tới khi test chụp tới +5EV và tôi không khuyến khích bất cứ ai chụp tới tận +5EV nếu không có chủ đích thực sự.

Side note 1: tấm ảnh khả dĩ nhất mà màu sắc qua các exposure vẫn giữ tỉ lệ tốt trong khoảng +2EV đến -1EV, trùng hợp rằng film này có DX code trên vỏ film được Kodak khuyến cáo chụp trong cũng là khoảng +3EV đến -1EV. Như vậy DX code trên vỏ film là khuyến cáo chính xác.

Side note 2: việc color cast ít nhìn thấy ở các bài test scan ngoài tiệm (scan từng kiểu) vì ngoài auto histogram, máy cũng auto white balance nên vô tình đã tự correct việc color cast đi.

3. Kết quả test đối với film màu dùng filter ND -2stops
Sở dĩ tôi chọn filter ND để làm bài test vì nhiều lúc trời nắng rất to mà vẫn muốn để DOF mỏng thì buộc phải dùng ND để giảm ánh sáng vào bản film. Trước đây khi test gắn ND lên máy số cho ra kết quả màu sắc vivid hơn với cùng kết quả exposure tổng không đổi, lần này tôi sẽ nói kỹ hơn đối với film.

Test lần 3 với filter ND (bấm để phóng to)
Test lần 4 với filter ND (bấm để phóng to)

Nhận xét:
– Filter ND làm giảm tình trạng color cast;

– Chi tiết vùng sáng tốt hơn (so với không dùng filter) nên có cảm giác tương phản tăng lên ở vùng sáng, nhưng vùng tối ngược lại dễ bị bết hơn do thiết bị scan đã đạt ngưỡng;

– Màu sắc no hơn một chút xíu dù đã chụp cùng exposure khi so với không dùng ND. Nguyên nhân là khi dùng ND, lượng sáng vào film giảm, tới ngưỡng hoạt động máy scan không cứu được chi tiết và màu sắc vì thiếu sáng vẫn sẽ trả về kết quả thiếu sáng một chút, làm cho màu sắc đậm hơn/no hơn như nhận xét mục 2;

-Do máy scan có ngưỡng mà không thể cứu được vùng tối, nên khi dùng ND, ngưỡng chụp thích hợp sẽ thay đổi, cộng với việc giảm color cast, nên chụp thừa sáng sẽ hợp lý hơn. Ở đây từ ngưỡng exposure +2 đến -1EV khi không có filter, sẽ chuyển sang +3EV đến 0EV khi chụp với ND -2stops.

4. Một vài lời khuyên với film màu
– Nếu cân nhắc việc chụp và ngưỡng hoạt động của máy scan, mặt film càng nhiều hạt bạc càng dễ scan đẹp, dễ correct lỗi, nghĩa là:
Với film Negative: Đúng sáng > Thừa sáng > Thiếu sáng
Với film Positive: Đúng sáng > Thiếu sáng > Thừa sáng

(Nhiều người rất nhầm lẫn là chụp thừa sáng luôn tốt hơn thiếu sáng cả với phim dương bản là sai lầm, phải đi từ bản chất density của bản film)

– Nói chung việc chụp +1EV là hợp lý vì bù trừ do film bảo quản ở VN kém. Nếu tự tin vào chất lượng film thì vẫn nên chụp đúng sáng.

– Luôn cân nhắc chuyện ám màu (color cast) mỗi khi có có ý đồ chụp thừa hoặc thiếu nhiều sáng.

Bài test tiếp theo về film đen trắng sẽ publish trong vài hôm nữa.
Thanks.

8 Comments

  • Reply YumeNoNaka May 13, 2020 at 12:30 pm

    Anh ơi. Em thấy mọi người và đầu chuyển sang chụp film cine cho tiết kiệm chi phí, anh có thể làm một bài về film cine, filter cần thiết thiết để chụp film cine được không ạ?

    • Reply Dat Tran May 13, 2020 at 4:00 pm

      Cụ thể là film Cine tên gì hả em?

      • Reply YumeNoNaka May 20, 2020 at 12:39 pm

        Có cái quan trọng thì quên mất. Film Kodak vision 3 500T chụp ánh sáng ban ngày ạ.

        • Reply Dat Tran May 20, 2020 at 2:51 pm

          Ok em anh sẽ thử.

        • Reply Dat Tran May 20, 2020 at 3:30 pm

          Ủa Vision 3 500T là film Tungsten mà, chụp ánh sáng đèn ống, không phải chụp daylight.

  • Reply YumeNoNaka May 20, 2020 at 4:11 pm

    Nhiều bạn em chụp film này ngoài trời xài em thấy nó ám xanh kinh khủng cụ kêu màu chuẩn. Em chưa kiếm được cái filter 85B để chụp thử. Liệu dùng filter + film Tungsten chụp ngoài trời có ổn không ạ?

    • Reply Dat Tran May 20, 2020 at 4:33 pm

      Xanh kinh khủng là đúng rồi, nó là film Tungsten mà, sao chụp daylight được. Anh chưa chụp Tungsten + 85B bao giờ, nhưng nó chỉ color correction được một phần thôi, nên tìm mua film daylight thì hợp lý hơn.

  • Reply Duc Cao November 4, 2020 at 10:17 pm

    chờ đợi bài về film đen trắng của anh . 😀

  • Leave a Reply to Dat Tran Cancel Reply

    Top