Trên vỏ của film chụp thường có 1 vùng được đánh dấu bằng các ô vuông màu đen và trắng. Phần lớn mọi người đều biết nó là DX code, để khi gắn vào các máy nhận film tự động (F4s, F5…) thì máy sẽ tự động nhận thông tin film và đa số hiểu là nhận iso. Thực tế trên 2 dòng DX code có nhiều thông tin hơn một chút.
1. Mục đích của DX code
Chính xác vấn đề mình định nói đây là DX code trên vỏ film (DX cartridge code), còn một loại nữa là code DX trên rìa film thì xuất hiện trên film đã tráng xong nhưng mình không đề cập đến ở đây.
DX code trên vỏ film sinh ra để cho các thiết bị tự động đọc dữ liệu của film bằng việc phủ một chất dẫn điện (màu bạc) lên các ô vuông (bit) xen lẫn với các ô không phủ chất dẫn điện (màu đen) để tạo thành tổ hợp thông tin riêng cho film. Hệ thống mã hoá này được Kodak ra mắt vào năm 1983 cho film 135 và film APS. Film 120 không có hệ thống code này.
2. Phân tích DX cartridge code
DX code trên vỏ film gồm 2 dòng, tạm gọi là dòng 1 và dòng 2 như hình. Dòng 1 hiển thị thông tin ISO, dòng 2 hiển thị thông tin về kiểu film và tính chất dynamic range của film
2.1. Dòng 1
Cái này thì rất đơn giản, chỉ cần tra trong bảng sau để biết được iso film. Thao tác này hiện nay không cần thiết lắm vì ngoài film đã ghi rõ iso được in lên vỏ luôn rồi, tuy nhiên mình thấy việc này hữu ích ở chỗ khi mua film 135 cuộn 100ft, khi cuốn vào các vỏ, thông thường người ta sẽ mua các vỏ film sử dụng nhiều lần bên ngoài có ghi DX code để phân biệt iso film vì vỏ film tái sử dụng này không có in ấn bất cứ thông tin gì khác.
Như ở ảnh ví dụ trên thì ta thấy đây là film iso 200.
Còn đây là vỏ film tái sử dụng nhiều lần dùng để cuốn film 100ft. Ngoài vỏ film không có ghi gì cả ngoài 2 dòng DX code giúp những người chơi film cuốn có thể gắn vào các máy chụp có nhận DX code.
2.2. Dòng 2
Dòng 2 gồm 2 phần, phần đầu là 4 ô đầu tiên, phần sau là 2 ô cuối, được giải mã theo bảng sau:
a. 4 ô đầu tiên: số kiểu của film
Như ảnh ví dụ trên thì ta thấy đây là film 36 kiểu.
b. 2 ô sau: mức chụp chênh sáng cho phép
Như ảnh ví dụ trên thì ta thấy đây là film cho phép chụp dư sáng +3 stops và chụp thiếu sáng -1 stop.
3. Ý nghĩa sử dụng
Mình thấy chú ý nhất ở phần 2 dòng 2, đó là về DR của film. Nhìn vào đây chúng ta có thể thấy được film cho phép chụp dư sáng bao nhiêu và thiếu sáng bao nhiêu. Trong cả 4 option về đoạn DX code này thì tất cả mọi film 135 đều có thể chụp dư sáng từ 1/2 tới 3 stops, trong khi chỉ có chụp thiếu sáng được không quá -1 stop. Điều này giải thích vì sao film âm bản chụp dư sáng ta vẫn thấy ảnh ổn định, và điều này hoàn toàn có thể tìm hiểu qua vỏ film, không cần phải chụp test hay đi hỏi han đâu cả (thực tế vẫn phải chụp dư một chút do hụt iso do bảo quản).
Chúng ta nhìn lại về khả năng chụp thừa thiếu sáng của một số loại film màu thông dụng, dưới đây từ trái sang là các film: Negative Fujicolor 100 36 kiểu, Negative Boots film 200 36 kiểu, Slide Fuji Sensia 200 36 kiểu.
Ta nhìn vào 2 bit cuối của dòng 2 về khả năng chụp thừa thiếu sáng của film, ở 2 film negative thì film cho phép chụp dư +3 và thiếu -1 stop. Tại film slide thì khả năng chỉ có chụp dư +1/2 và chụp thiếu -1/2 stop. Như vậy film slide yêu cầu chụp đúng sáng chính xác hơn rất nhiều so với negative và điều này đã được nhà sản xuất ghi rõ trên vỏ, tất nhiên nó cũng chỉ mang tính kỹ thuật, thực tế vẫn phụ thuộc vào sự phối hợp của chụp – tráng – scan đều phải tốt.
Trên film có DX code ghi số kiểu và khả năng chụp thừa/thiếu sáng của film, nhưng nó không dành cho máy ảnh đọc. Thực tế máy ảnh chỉ có 1 hàng DX code nên nó chỉ đọc được dòng 1 của DX, không thể đọc được dòng 2. Nghĩa là máy ảnh tự động tua film không biết được số kiểu film đang chụp mà nó đơn giản vẫn hoạt động trên cơ chế tua liên tiếp, cho tới khi nào tua mà trục không quay được (hết film) thì lập tức tua ngược lại.

Máy chỉ có một hàng chấu điện đọc DX code, nghĩa là nó chỉ đọc được ISO, không đọc được số kiểu film.
Trừ một vài máy rất đặc biệt thì tua film hết ra khỏi vỏ ngay từ lúc lắp film vào, khi chụp xong kiểu nào thì nó tua ngược kiểu đã chụp vào vỏ film. Cơ chế như này thực ra rất hay, phòng khi máy bị hỏng hoặc rơi vỡ, buộc phải tháo film ra thì những kiểu đã chụp vẫn an toàn trong vỏ film.
Vậy tại sao vỏ DX của film có thông tin số kiểu và khả năng chụp thừa/thiếu sáng nhưng máy ảnh không thể đọc được? Lý do là nó dành cho các máy khác trong quá trình hoàn thiện film như máy sản xuất đóng gói film, máy tráng film….
Chúc các bạn chơi film vui.
2 Comments
Bài rất hay:))
Bây giờ tìm thông tin này để chơi film rất khó
Mong bạn chia sẻ thêm nhiều kiến thức
Quá xịn :)) cảm ơn!!