Nhiếp ảnh không phải một trong 7 môn nghệ thuật nhân loại do ra đời khá muộn, tuy nhiên nó gần như là sự lai tạo của các môn nghệ thuật như Hội họa (bố cục, hình họa, màu sắc…), điêu khắc (hình khối, không gian…), kiến trúc (sắp đặt…), sân khấu (stylist, kịch bản, tư duy trừu tượng…). Trong đó chỉ riêng môn sân khấu là hợp nhất của 6 môn còn lại, vì vậy cũng có thể coi nhiếp ảnh là tổng hợp của 6 môn nghệ thuật đương đại. Vì vậy muốn “chơi” được ảnh cũng phải có trình độ tiêu tiền một cách nghệ thuật tương ứng.
Có tất cả 4 loại cách tiêu tiền khi chơi ảnh, kể cả người chơi ảnh hay chơi máy ảnh. Lưu ý tôi không đề cập tới người kiếm tiền bằng nghề ảnh vì nghề đó có đặc thù riêng trong tài chính cho thiết bị ảnh.
1. Nhắm mắt tiêu tiền
Nhắm mắt tiêu tiền là việc nhắm mắt và tiêu tiền :)), thấy gì mình thích là mua, thấy gì hay là mua, trên cơ sở là mua đã rồi bán hay dùng thì tính sau.
Đây là kiểu tiêu tiền của 2 loại người: thứ nhất là các bác đại gia có chụp ảnh mà không biết tiêu tiền vào đâu, thứ hai là những người có sở thích bệnh hoạn về mua sắm đồ máy ảnh dù không phải loại 1.
Đối với loại thứ nhất thì không có gì để nói, các bác ý có tiền thì cứ chơi, chơi chán lại bán, chẳng may làm rơi con 85 f/1.4 thì để làm chặn giấy cho con chơi, hoặc Leica hỏng đo sáng làm tạm cục chặn giấy cũng được. Tiền ai kiếm ra thì tiêu như nào là việc của họ. Dân Vn có cái tật xấu là đã ngã còn kéo người ta ngã theo. Thấy mấy bác có điều kiện ăn chơi tí là kêu là “đồ chơi thiết bị” nào là “còn bao người khó khăn sao bác không giúp”. Nghe thấy thốn. Quan điểm của tôi là có tiền thừa thì cứ chơi, không thì mua miếng đất đi trồng rừng rồi 20 năm sau lấy gỗ cho lãi.
Đối với các bác này thì tiền hết ra lại vào, không nợ nần ai bao giờ (vì tiền tự kiếm). Thiết bị chật tủ lại bán hoặc đưa vợ kê chạn bát. Âu cũng là nguồn thiết bị 2nd hand giá rẻ cho anh em chơi.
Đối với loại thứ hai thì không thể xem thường. Ở đời không thiếu những kẻ bệnh hoạn đam mê mua sắm đồ ảnh. Tạm thời không đề cập tới ảnh của đối tượng này chụp ra, chỉ riêng cái thói quen nghiện ngập thiết bị ảnh là đáng để nói 3 ngày 3 đêm rồi. Mấu chốt ở đây là những người này không có tiền dư dả, họ phải bán này bán nọ, vay mượn tích cóp chán chê, rồi mua con máy ảnh về chụp được 3 phát thấy xấu lại gạ gẫm bán lại, mua liền con khác luôn. Đối với những người này thì rất khổ vì đây ko phải là “chơi” mà đã thành “nghiện”, mà phàm ở đời nghiện cái gì cũng không tốt. Lưu ý một bộ phận sinh viên học sinh cũng là loại này. Các cu cậu mới chơi ảnh, vay mượn tiền mồ hôi nước mắt các cụ, mua mua bán bán như dân chơi thứ thiệt, rồi chỉ có các bậc phụ huynh là khổ. Có đôi lời gửi các cháu mới chơi ảnh thuộc loại này: “Đời dài còn chơi nhiều, làm khổ các cụ vừa thôi“.
Kết cục của những người này thường vào lúc mà có con có cái, hoặc gia đình khó khăn (kiểu như thua độ, mất đồ gì đó) là lại bán thốc tháo thiết bị đi. Lúc này trong đầu chỉ chăm chăm nghĩ tới thu lại tiền, còn gì gọi là chơi ảnh nữa.
2. Tiêu tiền dè xẻn, rón rén, chơi ảnh kiểu cá gỗ
Cách tiêu tiền này là việc người chơi khi thèm thuồng thiết bị gì đó (nói thật chứ thiết bị mới và lạ thích bỏ cha, ai chả muốn có 1 cái), nhưng cái quá trình tư duy quyết định phải mua tới lúc rút ví ra là khoảng thời gian dài hơn cái rốn vũ trụ.
Những người như này thường là: các người đi làm nhưng thu nhập vừa phải, mua bán gì cũng phải dè xẻn, cân nhắc; hoặc là dân chơi ảnh nhưng không có máu me thiết bị lắm, mà chỉ mua gọi là do bạn bè cổ vũ hoặc thỉnh thoảng thẩm du thiết bị tí cho đỡ buồn; hoặc là những ông sợ vợ, ngồi không nghĩ ra lý do gì khi mua về lúc trình báo với vợ nên mới phải cân nhắc kỹ càng; hoặc đơn giản chỉ là các bạn học sinh sinh viên ít tiền nên chơi gì cũng phải rón rén.
Với đối tượng như này đôi khi chi li quá vào tiêu dùng cho ảnh lại không hay, vì lúc này họ chơi ảnh theo tiền chứ ko phải theo khả năng của họ. Nếu mà đã biết rõ khả năng và nhu cầu của mình thì đã có thể quyết định ngay là mua hay không, khỏi phải đắn đo. Những người này tập trung quá vào tiền, vào việc đắt hay rẻ, mua hay không mua, mà quên mất là mình đang cầm cái gì, chơi như nào cho tốt.
Tôi đã từng có thời gian sa đà vào loại này, nhiều khi quá tập trung vào ai bán gì, mua hay không, quên rằng mình phải dùng cái của mình cho tốt.
3. Chỉ tiêu tiền vào ảnh một lần trong đời
Những người này rất khó định nghĩa. Có thể là gia đình, các cụ già sắp về với cát bụi, người chơi ảnh phát thì chán… Đặc điểm chung trong ngân sách của những người này là không có khoản “máy ảnh” bao giờ. Họ chỉ mua đúng 1 lần phục vụ nhu cầu nào đó và không có nhu cầu chạy đua vũ trang hay upgrade gì cả. Với những đối tượng như này thì ko gọi là dân nhiếp ảnh được vì họ không quan tâm tới công cụ của mình. Xin chớ có nhầm lẫn “quan tâm tới công cụ” là mua máy mới, đôi khi việc chi tiêu vào nhiếp ảnh một cách khoa học và hợp lý giúp người ta hiểu rõ hơn giá trị của thiết bị, và biết cách cân đối ngân sách giữa “sống” và “chơi” hơn.
4. Tiêu tiền đúng chỗ đúng lúc
Loại này hơi bị hay, nghe thì tưởng đây là những người chi tiêu perfect nhất cho ảnh, khi nào cần thì tiêu, không cần thì nghỉ. Thực ra đây mới là loại hài nhất. Những người theo loại này đa số là vỗ ngực mình là người chơi ảnh, khi nào phát huy hết hiệu năng thiết bị hoặc tay nghề đã quá độ lên level mới mới upgrade. Những cái phát biểu như thế là rỗng tuếch. Thiết bị muốn phát huy hết hiệu năng của nó cũng chả phải nhanh, chăm chỉ thì mất vài năm là ít, tay nghề quá độ là cái thứ rất ảo, ai làm chứng cho các ông là tay nghề các ông đã lên và cần thiết bị mới hay các ông chỉ tự phong cho mình cái danh đó. Nhạt lắm.
Người tiêu tiền đúng chỗ đúng lúc không phải tự vỗ ngực 2 điều trên, mà là người biết rõ mình cần gì, mình muốn gì, mình được gì hay mất gì sau khi tiêu tiền. Có thể đơn giản họ chỉ thừa tiền, nhưng họ xác định chính xác được những điều trên và ra quyết định tiêu tiền thì quả thực đây là chi tiêu hợp lý và hiệu quả. Không cần phải tay nghề quá độ, không cần phải phát huy hết thiết bị, đơn giản là tại mỗi lúc, con người ta có các hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau, nhu cầu mục đích khác nhau. Tiêu tiền hợp lý trong cuộc sống dù tiêu cho cái gì cũng phải hiểu được điều này. Chớ có bám vào bất cứ lý do nào trong các lý do trên để biện minh cho việc tiêu tiền của mình. Việc đó là không cần thiết. Đơn giản trong việc chi tiêu hợp lý là biết mình đang chi tiêu gì thôi.
Đôi lời tản mạn….
No Comments