Journal

Film 100ft – Nên hay không

Ngoài việc mua film 135 dạng cuộn rời, một phương án khác để tiết kiệm hơn đó là sử dụng film 100ft nhưng có nhiều vấn đề phải cân nhắc ngoài chuyện giá tiền.

1.Số tiền thực sự tiết kiệm được
Lấy VD với Tri-X. Mỗi cuộn Tri-X 135 36 kiểu thường có giá 5.79$. Còn để dùng film 100ft cần chuẩn bị những thứ như sau:
– Mỗi bánh 100ft Tri-X (cuốn được 20 cuộn 36 kiểu): 80$
– Máy cuốn film: 53$
– Vỏ cuốn film dùng lại, cần 20 vỏ: 25$
Total: 158$ cho đầu tư lần đầu tiên, tức bằng với 27 cuộn Tri-X mua sẵn. Trong đó máy cuốn film và vỏ cuốn film dùng lại có giá bằng 14 cuộn Tri-X.

Nếu sử dụng lâu dài, chi phí của máy cuốn và vỏ cuốn film dùng lại sẽ rẻ dần trên đầu film. Bây giờ ta xác định mức hòa vốn của việc dùng film 100ft:
(53 + 25) / (5.79 – 80/20) = 43.5 cuộn

Điểm hoàn vốn là 43.5 cuộn. Nếu dùng tới bánh film 100ft thứ 3 thì mới hòa so với mua lẻ, số tiền tiết kiệm được sau khi mua cuộn 100ft thứ 3:
(3 x 20 x 5.79) – (80 x 3 +53 + 25) = 29.4$
Tương tự, nếu dùng tới bánh film 100ft thứ 4 thì tiết kiệm được: 65.2$
Tới bánh thứ 5 thì tiết kiệm được: 101$

2. Các giải pháp giảm điểm hòa vốn
Để nhanh chóng hòa vốn khi dùng film 100ft thì có các giải pháp:
– Sử dụng film có chênh lệch giá trên đầu film của film mua sẵn và cuốn bằng bánh 100ft cao nhất;
– Mua máy cuốn film rẻ hơn;
– Sử dụng vỏ cuốn film rẻ hơn.

a. Sử dụng film có chênh lệch giá cao
Ở VD trên, Tri-X có mức chênh lệch giá giữa mua lẻ và giá mỗi cuộn cuốn từ cuộn 100ft (cuốn được 20 cuộn) là:
5.79$ – 80$/20 = 1.79$ (chưa tính chi phí vỏ và máy cuốn).
Một số film khác có mức chênh lệch giá:
– Ilford HP5+: 2.19$
– Ilford FP4+: 3.49$
– Ilford Delta 400: 3.49$
– Ilford Delta 100: 3.99$
– Kodak Tmax 100: 1.59$
– Kodak Tmax 400: -1.01$ (dùng film 100ft thiệt hơn mua lẻ)
– Kentmere 400: 1.7$

Như vậy trong các ví dụ trên, sử dụng film Delta 100 dạng 100ft là có lợi nhất vì chênh lệch giá cao nhất, cụ thể:
Cuộn 100ft: 70$,
Mua lẻ: 7.49$ .
Điểm hòa vốn sẽ tại:
(53 + 25)/(7.49 – 70/20) = 19.5 cuộn
– nghĩa là hoàn vốn ngay khi mua 1 bánh film 100ft

b. Sử dụng máy cuốn giá rẻ
Hiện tại tôi đang dùng máy cuốn của Lloyd giá 53$, máy dễ dùng, bằng kim loại rất bền. Tuy nhiên máy nặng nên ship dịch vụ phí cũng khá cao, và không có bộ đếm kiểu mà đếm bằng số vòng quay. Tôi recommend máy của Lloyd.

Thị trường còn có loại máy của AP đắt hơn nhưng có kim chỉ số kiểu. Tuy nhiên kim này hoạt động cũng nhờ số vòng quay, nên cũng không chính xác hơn máy của Lloyd mà lại đắt hơn.

Ngoài ra có một số loại máy cuốn vintage, giá rất rẻ chỉ khoảng 20-30$ nhưng cần kiểm tra xem có lộ sáng không.

c. Thay đổi loại vỏ cuốn film
Một số người sử dụng vỏ của film chụp bình thường, sau khi tráng vẫn còn đầu film sót lại, dùng băng dính dính vào đầu film bulk. Cách này cũng được nhưng tôithử thấy hơi lích kích vì không phải film nào cũng thò đầu ra đủ dài. Ngoài ra dán băng dính khi cuốn vào cảm giác bị sượng.

Tôi recommend mọi người mua vỏ film chuyên để tái sử dụng, đóng mở bằng ren, cũng khá bền. Giá 1.25$/c, nhưng có thể mua ít vỏ đi. Tôi mỗi lần cuốn film vào vỏ là cuốn hết 20 cuộn luôn và bảo quản lạnh, vì nếu không cuốn hết thì không thể tháo máy ra, thì lại khó bảo quản mát cả bộ máy cuốn trong tủ lạnh, rất dễ bị ẩm xâm nhập. Nếu ai chụp nhiều và nhanh có thể mua 2-3 vỏ film, dùng tới đâu cuốn tới đó. Phần chưa cuốn thì chỉ cần chống ẩm bình thường.

3. Những ưu điểm của dùng film chiết từ cuộn 100ft
a. Chi phí thấp
Như mô tả ở trên, nếu chọn được loại film có mức chênh lệch giá bán lẻ và bán cuộn 100ft lớn, số tiền tiết kiệm được không nhỏ, chất lượng film hoàn toàn không khác gì film mua lẻ. Đánh đổi lại là công sức và thời gian để cuốn từng cuộn film.

L'usine

b. Chọn được số kiểu film
Với film tự cuốn tôi thường cuốn thành loại 36 kiểu và 24 kiểu để thay đổi. Đôi lúc 1 buổi chụp 2 cuộn 36 kiểu lại không hết nhưng 1 cuộn 36 + 1 cuộn 24 lại vừa đủ.

4. Các vấn đề khác cần cân nhắc
a. Không thích hợp cho máy tự động
Máy tự động cần DX code để nhận iso, nhưng vỏ film tái sử dụng không có DX code, buộc phải chuyển đổi ISO bằng EV nhưng cũng có giới hạn.
Trên Contax T2 nếu film không có DX code thì luôn nhận ISO là 100. Mức bù trừ EV chỉ có tới tối đa +/- 2 nên set ISO tối đa chỉ được từ 25 – 400. Lúc này cần phải chế miếng DX code cho bulk film.

Tấm trên tôi chế DX code để chụp trên Contax T2, nói chung ISO nhận bình thường, chế miếng DX code gắn vào vỏ film cũng không quá khó.

b. Lỗi xảy ra phải trả “học phí” lớn
Việc cuốn film từ cuộn lớn vào lõi không phải phức tạp, nhưng cũng có một số lỗi có thể xảy ra như miếng foam che sáng bị mòn, máy bị nứt, film bị lỗi, vỏ film tái sử dụng không kín…. Nếu xảy ra trường hợp nào là coi như mất 1 cuộn film là cũng 5-6$ học phí. Vậy nên tôi recommend mua đồ mới, đồ tốt nếu xác định dùng film 100ft làm nguồn film 135 lâu dài.

c. Kiểu cuối cùng luôn luôn hỏng
Kiểu cuối cùng của cuộn film là đoạn đầu tiên lúc cuốn film. Cần phải kéo đầu film 100ft ra, cài vào lõi và cuốn, tức là đoạn đầu luôn bị lộ sáng. Thường mọi người chụp ít khi nhìn tới số kiểu mà thói quen chụp tới khi nào không lên được film nữa thì dừng, thì khi đó kiểu cuối cùng đã chụp và luôn bị hỏng.

d. Lab làm mất vỏ film tái sử dụng
Tôi đã bị 3 lab làm mất vỏ film dù đã dặn vô cùng kỹ và ghi ngoài phong bì rất rõ là phải giữ cái vỏ này cho tôi, nhưng cả 3 nơi đều làm mất. Nên nếu chơi film đen trắng 100ft, các bạn nên tự tráng để tự kiểm soát dụng cụ của tôi.

Vài kinh nghiệm sau 8 năm tự cuốn film chiết, chúc các bạn chơi film vui.

Don't you miss the good old days?
Hanoi Flea Market #2
My cat, 9 months old
.




4 Comments

  • Reply Chu Duc Anh October 16, 2018 at 12:05 pm

    Không hình dung ra mặt anh lúc để cái tóc ở kiểu ảnh cuối, haha

    • Reply Dat Tran October 16, 2018 at 1:33 pm

      VÌ đấy là người khác, ko phải anh :))

  • Reply Nguyễn Ngọc Sơn October 19, 2018 at 1:52 pm

    Lâu lắm mới vào lại blog này, rất vui vì thấy em còn chụp và còn post 🙂 Anh Sơn trước hay nhờ em lấy Ektar về cho đây 😉

    • Reply Dat Tran October 26, 2018 at 11:34 am

      Vâng ạ lâu không gặp anh Sơn 🙂

    Leave a Reply to Dat Tran Cancel Reply

    Top