Journal Misc

Cậu chụp một cái cây cho tôi xem!

Cách đây vài hôm, tôi có đọc được một bài viết của một bạn tên Phượng về việc những người gặp bế tắc việc diễn đạt một khái niệm nghệ thuật qua các sản phẩm thị giác nói chung, tiếc là đọc tại máy tính khác nên xin nợ lại link để dẫn về đây. Theo tôi, cái bế tắc trong sự sáng tạo của một nhiếp ảnh gia nó cũng như vậy, chẳng khác gì so với các người làm tạo hình hoặc hoạ sĩ mà bạn Phượng đề cập cả.

Thường khi mới chơi ảnh, cho dù làm nghề hay chơi vì thú vui, ai cũng cố gắng gượng hết sức tìm cho mình một nguồn cảm hứng mới, một sự sáng tạo mới không giống ai. Việc đi tìm một con đường riêng này phần lớn dẫn đến một ngõ cụt hơn là ra đường lớn, bế tắc xảy ra không phải là lạ, sau vài lần bế tắc những nhiếp ảnh gia trẻ này dần nhụt chí và dần dà lại hoà vào trong dòng chảy chung tầm thường như bao người khác.

Thực tế trong tất cả mọi môn nghệ thuật, tôi thấy sự sáng tạo đột phá là điều cần thiết. Trong lịch sử nghệ thuật, thậm chí không chỉ nghệ thuật mà trong tất cả các ngành kỹ thuật, y học, xây dựng, kiến trúc khác, sự đột phá tạo nên một kỷ nguyên mới và người tìm ra sự đột phá đó trở thành ông hoàng trong một kỷ nguyên và được những lớp hậu sinh nhắc đến hàng ngày trong những giờ lên lớp và bài kiểm tra trong trường đại học. Tuy nhiên đừng bao giờ quên là những ông hoàng này “số lượng có hạn” trong mỗi thời kỳ, không thể 100 người lao động nghệ thuật sẽ có 100 người đột phá được.

Nhiếp ảnh cũng vậy, tuy không nằm trong 7 môn nghệ thuật cơ bản nhưng nó cũng không nằm ngoài quy luật. Hãy nói một cách đơn giản, giờ tôi bảo bạn chụp một cái cây. Cái cây thì có cả ngàn góc chụp, hàng trăm thời điểm chụp trong năm, hàng chục loại máy để chọn và không dưới 10 khổ ảnh có thể bố cục. Một điều tôi nhất trí trong bài viết kể trên đó là một bài thơ luôn mang nhiều ý nghĩa hơn số chữ mà nó được viết ra, một bức ảnh cũng vậy. Ý nghĩa của một bức ảnh luôn nhiều hơn số pixel cấu thành lên nó. Chụp một cái cây không phải là khó nhưng cũng không phải là dễ. Mỗi người cần tìm cho mình một cách diễn đạt riêng, cách diễn đạt này tôi cũng không muốn đi sâu là làm thế nào, điều này tuỳ mỗi người. Với tôi chụp cái cây đơn giản chỉ là ngồi tại một nơi gió mát, nhâm nhi li cafe đá, chờ cho một khoảnh khắc ập đến và nhấc máy lên chụp thôi.

.paris.

Khi lần đầu tới tháp Eiffel, tôi cũng không bận lòng tìm một góc chụp đột phá gì cả. Tháp Eiffel vẫn đứng vững đó và có cả ngàn bức ảnh về nó rồi. Tôi đơn giản là chỉ ngồi trên một ghế băng trong quảng trường, nhìn về nó, nghe một bài hát thật hay và trải lòng cho một bức ảnh có thể là tầm thường về cả bố cục, kỹ thuật và ánh sáng. Nhưng không vấn đề gì, với tôi thế là được.

 

Chúng ta hay đi vòng quanh một thứ gì đó trong thời gian rất dài nhưng lại tìm cách diễn đạt nó trong một thời gian chớp nhoáng, có thể là 1/60s, 1/500s hay 1/4000s. Nếu thấy hỏng ta lại làm lại. Theo tôi như thế là được rồi, con người đông thì đông thật nhưng cũng không có ai giống ai. Chỉ cần mình tìm thấy một điều thôi thúc để diễn đạt là đủ để tạo ra một thứ của riêng mình rồi. Đừng vì cái cây đã có người chụp mà mình không chụp nữa, tôi chắc chắn sản phẩm của bạn vẫn sẽ mới lạ, miễn là chừng nào bạn tìm được một cảm hứng đủ để thôi thúc mình thể hiện nó trên một số khổ hình.

Tôi vẫn rất trân trọng lời khuyên của bạn tôi là nghệ sĩ người Đức, ông bảo tôi rằng chỉ cần làm 1 việc nhỏ thôi nhưng phải làm nó thật tốt, như vậy là đủ cho 40 năm sự nghiệp rồi. Và tôi thấy sự nghiệp của ông là minh chứng rất rõ ràng cho việc này, ông chỉ chụp một thứ, một thứ duy nhất và có thể trong 20 năm nữa ông vẫn chụp nó, nhưng ông đã làm việc này một cách quá xuất sắc đến nỗi những ý niệm trong sản phẩm của ông bùng cháy trước mắt cả những người amateur như tôi.

Chúng ta trong lịch sử phát triển đặt ra rất nhiều khái niệm, ý niệm và vô tình nó trở thành một cái thước chuẩn cho thế hệ sau. Nhưng nếu ai cũng theo đúng những khuôn thước này thì ai cũng sẽ có một cái cây giống nhau, vì vậy chúng ta phải trân trọng và hiểu được những khoảnh khắc và những thôi thúc của riêng ta để nó là mãi mãi.

.

 

=====

P/s: cám ơn bài viết truyền cảm hứng của bạn Phương: link

5 Comments

  • Reply Nguoilamvuon November 4, 2013 at 7:51 am

    “Đừng vì cái cây đã có người chụp mà mình không chụp nữa.”
    Em bị thích câu này anh Đạt ơi.

  • Reply thu vân December 12, 2013 at 10:22 pm

    bài của chị phượng đây ạ 🙂
    http://www.doanminhphuong.com/2013/10/29/lam-sao-de-ve-mot-cai-cay/

    • Reply Dat Tran December 12, 2013 at 11:08 pm

      Cám ơn bạn Vân, mình đã thêm link vào bài 😀

  • Reply sean.le April 6, 2017 at 7:30 pm

    đây cũng là vấn đề “đã từng” đối với mình. Ngày mới bắt đầu, khi làm gì, lúc nào cũng tâm niệm “mình phải khác”, “mình không được thế này thế nọ”… rồi khi đi học, trong 1 môi trường (tạm gọi) là nghệ thuật… cái tư duy ấy càng được nhân lên bởi cái tôi cá nhân cùng vô số cái tôi “to tướng” xung quanh mình… rồi lại tự đặt ra cho bản thân những đích đến “vĩ cuồng”… phải được như thế này thế kia, phải đi theo ông kia ông nọ…

    ngày ấy, bố mình đã nói 1 câu… mà mãi sau này mình mới ngẫm ra. cụ bảo “với thằng làm nghệ thuật, cứt ai cũng thối hết. chỉ có cứt mình là thơm thội”… mãi đến dạo sau này, khi đã lớn dần lên, va vấp và trưởng thành hơn… bỗng 1 ngày mình nhận ra lời ông cụ nói, mình nhận ra vô số những câu hỏi tự đặt ra cho bản thân:

    + sao cứ phải gồng mình lên như thế?
    + rốt cuộc là ta làm vì ai? ta chơi vì cái gì? vì bản thân ta hay vì thiên hạ?
    + những cái đích cao xa ta đặt ra kia, cuối cùng là vì điều gì? ta muốn gì ở chúng?

    những câu hỏi như thế… nhiều lắm! và trên hành trình đi tìm đáp án cho những câu hỏi ấy, mình lại thấy biết bao những điều thú vị mới.

    hôm nay đọc bài này của Đạt rất thú, nó đúng như những gì đã trải qua với mình.

  • Leave a Reply to sean.le Cancel Reply

    Top